2 phim xem gần đây nhất, "No escape" và "Bridge of Spies", lần lượt được IMDB cho 6.8 và 8.1 :) vì vậy từ lâu mình đã không tin vào mấy trang review phim nữa, chỉ tin vào cảm giác của mình thôi. Fortunately, it has not disappointed me, anytime, yet.
No escape: Tôi thấy nước mình trong bộ phim! (ầu, tôi còn chưa xem hoa vàng cỏ xanh để thẩm định và ủng hộ nền điện ảnh nước nhà)
Có lẽ phim này bị cho điểm thấp vì phần hình ảnh. Đi kèm với một cốt truyện xuất sắc vẫn nên là những cảnh quay chân và thật. Phần poster phim không gợi cho người xem chút tò mò nào về nội dung cả, đáng buồn phải nói như vậy. Lúc đầu còn tưởng phim này kiểu 2012, ngày tận thế, một anh cân team cứu cả nhà khỏi hiểm nguy gian khổ cơ. Mà như thế thì quá chán, không ai thèm xem là phải, rất phải."No escape" nói về cuộc nội chiến tại Thái Lan. Được cái phông nền của mình rất yếu, nên xem phim nào cũng như mới. Chuyện các phe phái áo vàng áo đỏ ở Thái Lan oánh nhau bùm bùm để ủng hộ cho lãnh đạo Đảng của họ trong các đợt bầu cử thì có nghe qua, nhưng phim này lại đề cập đến một nhóm khác, tạm gọi là nhóm khổ dân. Nhóm này vì bị xéo lắm nên đã oằn, nổi lên làm loạn. Mà cụ thể là do chính phủ Thái Lan vay một khoản tiền từ nước Mỹ, đến lúc không trả được thì phải để cho công ty Mỹ vào khai thác nước tại địa phương. Theo kiến thức nông cạn của mình thì công ty này sẽ độc quyền khai thác nguồn nước, nhu yếu phẩm của người dân và đẩy giá nước lên cao cho người dân chết toi. Thế là khổ dân đã vùng lên với khẩu hiệu: Nợ nước phải trả bằng máu, đi chém giết hết bọn Tây trắng, phá sứ quán nhà người ta, ám sát thủ tướng, cướp chính quyền vân vân và mây mây.
Hết đoạn spoil, phần quan trọng đã đến, ấn tượng về bộ phim:
- Cảnh quay ấn tượng: chắc chắn là cảnh oánh nhau giáp lá cà giữa đám khổ dân và quân đội. Một bên cùm sắt áo giáp bị đạn bít bùng, bên kia như cái bang, búa rìu gậy gộc có anh còn chả cầm gì, xông vào như thổ dân thời xưa oánh nhau, a lô xô tất cả cùng lên. Đang tưởng tượng mình mà đứng giữa đấy thì ngất luôn chứ chả ở đấy mà ngó hai bên tìm đường chạy biến.
- Cảnh dễ đoán nhưng vẫn rơi tim ra ngoài: bay qua miền tối sáng. Thật chỉ có phim.
- Cướp, giết, hiếp...những công thức rất đỗi quen thuộc của đề tài chiến tranh. Ở cảnh phim cả gia đình đi trên chiếc xe máy, khi chiếc xe đổ xuống và một người trong đám khổ dân đã nhận ra gia đình này, nhưng trong một giây nhìn 2 đứa trẻ con vô tội, người này đã bỏ qua. Đây là một cảnh phim dễ gặp, nhưng vẫn đủ sức truyền tải tính nhân văn: chiến tranh không vùi lấp được tình người. Dù ở phe ta hay phe địch, thì lòng trắc ẩn giữa người với người vẫn luôn tồn tại, và nó lớn hơn mọi sự thù hận và bất kỳ tư tưởng được tiêm nhiễm nào khác.
Có lẽ đây là một bộ phim dễ đoán, nhưng không tẻ nhạt. Dù ai cũng biết cả gia đình sẽ sống, ai cũng biết sẽ có nhiều máu chảy và nhiều người hi sinh, ai cũng biết phải đánh đổi điều gì đó để có được những thứ không phải của mình... nhưng bộ phim vẫn cuốn người xem đến tận phút cuối. Khi cả gia đình Owen đào thoát sang Việt Nam. Lúc xem còn quên mất là Việt Nam có biên giới trên biển với Thái Lan, còn định cãi ơ Cambodia mà. Đến lúc thấy cờ đỏ sao vàng cùng lời tuyên bố dõng dạc của phía Việt Nam: "đây là hải phận của nước Việt Nam, hành động bắn được coi là gây chiến", cả rạp vỗ tay rần rần hoan hô các anh bộ đội Cụ Hồ, vừa buồn cười nhưng cũng xúc động. Tình người là đấy thôi chứ đâu.
Cả khoảng thời gian trong rạp phim, câu mình nghe nhiều nhất chính là: ơ giống Việt nam thế. Và đó cũng là suy nghĩ quẩn quanh trong đầu mãi ngay cả lúc xem xong. Từng con đường, từng khu chợ, cả những người cầm dao cầm búa dân đen cùng khổ đánh người không tiếc tay, cũng gần với Việt Nam quá. Bạn mình quay sang bảo hình như nước mình cũng nợ nhiều lắm Thúy ạ. Ừ, đến lúc không trả được...không trả được...nợ nước trả bằng máu. Gần lắm, ở ngay đâu đây thôi, yên bình này không phải vĩnh viễn, càng không phải thực sự bình yên!
Người đàm phán - vẫn là tình người
Mình thích 2 gương mặt này. Abel "would it help?" - chính là gương mặt nhể mũi ngẩn ngơ và bị đơ này. it helps, yes, really helps. Mình sẽ nhớ đến gương mặt này mỗi khi gặp phải vài chuyện không thể thay đổi được, không thể làm khác được, không thể định đoạt được. dù mặt đã như thế trong kha khá lúc của cuộc đời.Và Donovan với điệu cười kiểu "I got sick and I wanna go home :)" Tom Hanks vẫn không bỏ cái điệu quyết đoán một cách rất Mỹ ấy đi nhỉ, dù đã đạt được bao nhiêu thành công rồi.
Spoil nội dung: Đây là phim hiếm hoi có tựa tiếng việt khá ổn. Thực ra mình thích cách đặt tựa như vậy, dù "Bridge of spies" đúng tính chất và gợi liên tưởng tốt hơn, nhưng tên "Người đàm phán" không làm lộ nội dung, có nhu có cương, vừa phải dễ chịu.
phim kể về Jim Donovan, một nhân vật có thật trong lịch sử nước Mỹ. Ông là người đã trực tiếp đàm phán trong các cuộc trao đổi tù nhân trong thời kì cuối của chiến tranh lạnh. Abel là một gián điệp của Soviet Union tại Mỹ (à không, Abel chưa một lần nhận mình là gián điệp, và Jim cũng chưa bao giờ xác nhận điều đó, một chi tiết nhân văn thường thấy). Phim lấy bối cảnh của nước Mỹ, và nước Đức trong thời kỳ chia cắt. Yếu kém mà nói thì đến phim này mới thực sự biết nhiều hơn về Bức Tường Berlin mà nhiều người ám ảnh.
Phim có thể đã kết thúc, và thực sự nên kết thúc khi Abel được trao đổi trên cầu, và ngồi ở back seat, kèm theo sự bất định what may happen next. Thực sự thích cảnh Donovan đứng trên cầu, trước mũi súng của hàng chục lính bắn tỉa, nhìn theo Abel đầy bất định. We call him standing man, yes, standing man. Tiếc là phim không kết thúc ở đấy, nhất quyết phải đưa Jim lên thành người hùng, và nhất quyết phải lo lắng thêm về tương lai khi để những đứa trẻ nhảy qua tường rào.
Tom Hanks có nét mặt lo lắng thực sự đắt giá. Trong tất cả các gương mặt của anh, cái nhăn nhó của Tom Hanks khiến người ta ấm áp và tin tưởng vô ngần. Một sự lo lắng đầy bàng hoàng và bất lực, nhưng kiên định và win heart.
Thực ra đây là một phim dễ đoán, nhưng cũng giống như tên gọi, phim thuyết phục người xem vì "sự đàm phán" chứa đựng nhiều vấn đề không bao giờ cũ. Dù bối cảnh đã khác đi nhiều, và chắc sẽ không còn bức tường nào để nhảy qua nữa, nhưng sẽ có nhiều những sự ngăn cách kiểu mới, mà bằng kiến thức hạn hẹp không thể kể ra ngay được. Tính nhân văn của phim có lẽ không cần bàn thêm nữa, chỉ đừng lồng ghép quá nhiều những sự đối nghịch đầy dụng ý giữa các phe phái. Hãy nhân văn hơn nữa nhé đạo diễn.
Cảm ơn cả 2 bộ phim, xin phép được cho 8/10.
Cảm ơn cả 2 bộ phim, xin phép được cho 8/10.
Nhận xét
Đăng nhận xét