IIFT, 31 tháng 7 năm 2018
Tròn 4 tháng ở Ấn, tôi vẫn chẳng học được gì từ người Ấn. Điều duy nhất tôi dám khẳng định là bọn này bị điên, điên thật chứ không điên đùa.
Tụi nó có thể lầm lũi như một con trâu đi cày ở công ty, mặt lạnh như tờ tiền in hình Gandhi đang cười hồn hậu, nhưng punjabi song nổi lên là chúng nhảy như lên đồng, quên giời quên đất quên hình tượng dày công xây dựng bao năm. Cái bọn có máu nghệ sĩ sẵn trong người truyền lại mấy nghìn năm, nhịn ăn thì được chứ nhịn nhảy chắc chết. Mà phải công nhận cái thứ nhạc xập xình bollywood của bọn nó là một thứ chất kích thích, get high and higher and tới nóc, và punjabi song thì catchy đến nỗi có thể hát theo mà không cần hiểu, có thể cuốn người ta đi hết tháng hết ngày. Quay lại với người Ấn, một lúc khác tụi nó có thể phát điên vì kì thi tuyển công chức đang đến, tỉ lệ chọi là 1 trên 1 tỷ =)) và một lúc sau nó có thể quên hết ngồi tám chuyện linh tinh như chưa từng có cuộc ôn thi. Người Ấn mâu thuẫn trong trật tự, cầu tiến nhưng vô lo, chăm làm nhưng thích quẩy, nhiệt tình nhưng đôi lúc hơi đần nên năng suất chưa cao lắm. À đấy là đang nói 1 tỷ 3 dân được phổ cập giáo dục mầm non, còn hội pờ-rồ thì bọn nó bị điên đấy, không biết đầu nó có gì và sức nó trâu đến cỡ nào đâu nhưng boss các tập đoàn lớn trên thế giới hình như toàn Ấn. Mà phải nói thêm, người Ấn là một khái niệm quá rộng, có ấn đen, ấn trắng, ấn hindu, ấn muslim, ấn delhi, ấn mumbai, ấn đẳng cấp cao, ấn đẳng cấp thấp...Túm váy lại là đứng trước khoảng 50 người trông nỏ có tí liên quan nào từ lượng đến chất, nhưng tất cả đều bảo tao là người Ấn, nguyên chất, không pha =.=
Hơn 2 tháng đầu ở Gurgaon là những tháng ngày bận bịu "acclimate and acculturate". Cơ thể thì bận làm quen với cái nóng bốn năm mươi độ đỉnh điểm đôi khi làm con iphone lăn quay ra chết, tâm trí cũng mải miết làm quen với cái lối lắc đầu bất kể vui buồn, dù ngoài đời chúng nó không lắc nhiều như trên phim. Tôi cũng tranh thủ làm thân với mấy anh giai công ty để học lỏm vài từ hindi thông dụng; và quan trọng nhất là làm quen với việc đưa ra quyết định, một mình, thực sự. 24 tuổi có vẻ đã là quá già để con người bắt đầu được tự chủ, cái quyền lợi đi đôi với trách nhiệm đáng nhẽ ra phải được thực thi từ lúc 18-20. Thôi thì vẫn vui, ít ra ngày ấy cũng đến, nhìn nhiều người đến 42 tuổi vẫn có tự chủ được méo.
Ấn Độ giống như một ly trà chai thơm ngon, béo ngậy, nhiều sữa, ít đường. Ai uống được thì nghiện, ai không uống được thì dần dần sẽ uống được và cũng nghiện. Thời gian mỗi người tập "nghiện" dù khác nhau, tôi tin sau tất cả, không ai đi ra khỏi đất nước này mà ghét nó được, cùng lắm là không thích thôi, ai ghét thì bảo mình, mình năn nỉ cho người ta hết ghét :"> Còn với bọn nghiện, ầu, thế giới sẽ nhanh chóng được chia thành 2 phần: Ấn Độ và phần còn lại. Tôi nghĩ là mình sẽ nghiện nhanh thôi, vì dù có yêu trung quốc, nhật bản và một tỉ các nước khác nhiều đến mấy, chẳng có nơi nào đa dạng như Ấn Độ. Mà kì thực, tôi bị bias nặng nề tính đa dạng, nếu ở một chỗ mà cái gì cũng giông giống nhau, cùng một tập người na ná nhau, có khi là tôi chết. Mà tôi chết thật, tức tưởi, ở một vài công ty cũ, chỉ vì cái lý do vớ va vớ vẩn không đâu vào đâu này.
Khoảng tháng 4, tháng 5 là mùa hoa kim tước. Tôi ngờ ngợ nhìn những cánh hoa rơi dọc lối đi làm, rơi tá lả quanh khu tôi sống. Hình như là kim tước của Nilam. Tôi thần tượng Hồ Anh Thái, muốn trở thành nhà ngoại giao như bác, để đi và viết, để nói cho thế giới biết có một Việt Nam tươi đẹp đến thế ở mông lung đâu đó trên quả đất nài, để kể cho người Việt những câu chuyện văn hóa thật hay ho, nếu ai đó vì Nilam của Hồ Anh Thái mà đến Ấn, thì cũng có thể có ai đó vì Hamid, Krishna, hay một tỉ cái tên khác trong câu chuyện của Diệu Thùy sẽ mong mỏi đến với các vùng đất xinh xẻo trên khắp địa cầu. Nhưng mà khổ nỗi viết lách chỉ đôi lúc là nguồn sức mạnh, còn hầu hết các lúc còn lại là nguồn thuốc ngủ, và lười, và viết không hay, và viết cho người khác đọc còn là một điều painful nữa =.=
Tôi trèo lên chiếc xe giường nằm sau trải nghiệm mốc mỏ chờ xe khách, "mông lung như một trò đùa", đi Jaipur, điểm tiếp theo trên đất Ấn sau Delhi được vinh dự có Diệu Thùy hạ giá. "Pink City" tặng cho tôi một trận ngộ độc, vừa thổ vừa tả vừa sốt cao mê sảng. Tôi chỉ nhớ cái thành phố đó không hề có màu hồng, mà là một màu cam đất giả tạo, và khói bụi thì mịt mù đất cát. Cái nóng đỉnh điểm quật con bé nằm li bì. Khi ấy mới là tuần thứ 2 ở Ấn, tôi dấy lên một niềm căm hận cái đất nước bẩn thỉu này, nằm khóc mê man và mơ màng nghĩ đến một tấm vé về quê ngay khi khỏi ốm. Khi cô đơn người ta hay nghĩ đến những chuyện tình vỡ nát vỡ nát như lâu đài cát. Trong một phút tôi hận lây sang mấy lão người yêu cũ bạc bẽo xong chợt nhớ ra lời bác dặn trước lúc đi xa là trên đời này làm gì có ai có nghĩa vụ phải quan tâm đến ai =.= Jaipur sượt qua như một viên đạn bắn trượt. Tôi chỉ ám ảnh sự bẩn thỉu của nó mà không biết rằng mình đã bỏ lỡ một câu chuyện văn hóa nào đó đằng sau. Nhưng tôi không buồn tìm hiểu nữa. Một người bạn Ấn bảo tôi rằng, chẳng ai có thể biết hết về Ấn Độ chỉ trong một đời người. Fine.
Pareto có nảy ra tỉ lệ 80:20 gì đấy. 20% dân số chiếm giữ 80% của cải. Ở Ấn Độ, tỉ lệ này là 99:1. Vâng, 99 và 1. 1% top elite chiếm 99% của cải. Số này do diệu thùy tự nghiên cứu và bịa ra. Không cho đến khi nhìn thấy một khu ổ chuột bẩn thỉu cùng cực nằm ngay sát một khu biệt thự mỗi nhà 2 con Audi, tôi vẫn không tin tỉ lệ này là có thật. Nhưng sự thật nằm sờ sờ ở đó. Gurgaon dù có để lại trong tôi ấn tượng tốt đẹp đến thế nào về một business hub năng động nhất Delhi, thì vẫn không thôi ám ảnh về cái lằn ranh giàu nghèo chênh lệch quá khủng khiếp cách nhau chỉ khoảng 100m tường bao. Trên đường phố ta thấy gì nhiều nhất? Ăn xin và chó hoang. Ấn Độ đang vật vã vì khủng hoảng dân số và vô số những hệ lụy kinh tởm của nó, nhưng người Ấn hiền, người Ấn nhân văn, người Ấn tôn trọng quyền con người, người Ấn không cấm đẻ. Tôi không biết đất nước này còn phải phình to đến cỡ nào.
Delhi đã vào mùa mưa, cuối tháng 7, tôi đang ngóng bản thân mau hết lười để viết nhiều hơn kẻo cả cảm xúc lẫn trải nghiệm sẽ bay đi mất hết. năm nay nhiệt độ được bảo là thấp hơn các năm trước, và đôi khi vẫn có những cơn mưa trái mùa kì cục lạ, dù sao cũng đã đi qua mùa nắng vỡ mẹ đầu...
Nhận xét
Đăng nhận xét