Chuyển đến nội dung chính

Us and Them - Chúng ta của sau này

Netflix recommends phim này cho mình liên tục, vì account con mánh xem rất nhiều phim "ngôn tình" trước đó. Thực chất phim này không hẳn là ngôn tình, vì tình yêu ngôn lù cuối cùng đã chết, chỉ còn tình người chống cự được đến cuối phim. Vẫn là con mánh post nhạc phim này lên facebook, mình chưa nghe, nhưng quyết định xem. Thường những phim nhạc hay thì chính bộ phim ít khi dở, đó là chân lý =)) ánh sáng và màu sắc trong phim này cũng có câu chuyện riêng của nó, liên kết toàn mạch phim, khiến mình liên tưởng đến phim hoạt hình 5cm/s của Nhật nhưng làm tốt hơn và có dụng ý nghệ thuật hơn.
Image result for us and them
Phim đương đại của tàu có một sức hút khủng khiếp với mình, vì nền văn hóa tương đồng, niềm vui nỗi buồn cũng tương đối giống, các mối quan hệ đổ vỡ cũng theo đó mà na ná nhau. tổng cộng suốt bộ phim mình khóc ba lần, mỗi lần năm phút, xem xong khóc thêm mười lăm phút, đến nỗi mắt cay xé cả, xem từ trưa mà đến tối mắt vẫn còn cay.
Tiểu Hiểu và Kiến Thanh là hai người trẻ xuất thân tỉnh lẻ lên Bắc Kinh học đại học. Họ vô tình quen nhau trên chuyến tàu về quê ở Daozhang, cảnh đẹp vô đối, vừa vào phim mình đã tí ngất vì góc quay quá đẹp. Xuyên suốt bộ phim có nhiều khung hình đẹp, "chỉ cần pause lại và cắt ra là có ngay một bức poster".
Hai người cứ thế làm bạn, mặc cho Kiến Thanh thích Tiểu Hiểu một cách lộ liễu, Hiểu vẫn chăm chú chạy theo những mối tình vô hậu, thực dụng, với mong muốn đổi đời. Đoạn này có chút hơi giống mình hồi trước, nhà nghèo, tỉnh lẻ, lên thành phố mơ hão kiếm được trai giàu, giỏi, yêu ai cũng phải scan một vòng sơ yếu lý lịch xem có "sa vào chĩnh gạo" hay không?
Con mẹ tiểu hiểu cũng giống mình nữa là lép. Ôi bà châu đông vũ (tiểu hiểu) từ hồi "Chuyện tình cây táo gai" đã lép mong manh lép dễ vỡ, là gương mặt điện ảnh thực lực của điện ảnh trung quốc, bao năm trôi qua chị vẫn đẹp và lép y chang, tưởng chừng thời gian bỏ quên chị vậy. Và y như rằng, đời đâu như là mơ, bọn giàu giỏi nó có ngu qué đâu mà chọn đứa lép, lại còn tỉnh lẻ, lại còn tham. Tiểu Hiểu gặp hết thể loại tiến sĩ bạc nhược cum cúp nghe lời mẹ, đến loại doanh nhân đểu giả đã có vợ con còn thích nuôi thêm em gái mưa. Sau những trái đắng đầu đời, cô đến với kiến thanh một cách tự nhiên, đồng cảm, ở bên anh từ lúc anh ngồi bết xê lết bán băng đĩa đồi trụy trong ga tàu điện ngầm, đến lúc anh đi tù, đến khi anh làm tổng đài viên chửi khách hàng rồi bị khách đập te tua. hai con người trải qua mấy cái tết cùng nhau trong căn phòng trọ chật chội, tối tăm, chỉ có tình yêu thắp lên tí ánh sáng le lói vậy mà cũng vượt qua được hết.
Bắt đầu đến đoạn khóc. Phim khác biệt khi không miêu tả cuộc sống thường ngày của hai nhân vật chính, mà xuyên suốt từ đầu đến cuối là những mảnh nối của những ngày tết cổ truyền, năm này qua năm khác. Tết là một thời điểm nhạy cảm, ai cũng có vẻ suy tư nhiều hơn, nhất là người nghèo. Đôi lúc mình ghét tết miền nam, không phải vì nó nóng, mà vì nó quá ồn ào. Muốn yên tĩnh nghĩ ngợi một tí cũng không được. May thay Bắc Kinh lạnh, Daozhang cũng lạnh, cả bộ phim là những ngày rét mướt giá băng, các nhân vật không chui vào lòng nhau nó cũng phí cả thời tiết đi =)) 
Bố của Kiến Thanh khiến mình khóc hai lần. Một lần là khi kiến thanh về quê, bạn bè đều đã "thành công" theo chuẩn xã hội: có nhà, có xe, vợ đẹp con khôn, thư ký quận cái đ' gì đó to to làm nhà nước, đại khái vậy, chuẩn thành công các bạn nghĩ thế nào thì lên phim y như vậy. phảng phất liệu chúng ta đã thấy mình đâu đó. còn kiến thanh: nhà còn thuê, xe còn thuê, gặp bạn bè thì phải nói dối, tự bọc cho mình một cái vỏ thành công cận chuẩn, dù sau đó anh đứng chết lặng trong nhà vệ sinh khi nghe bạn mình xì xào:
"đều là bạn, sao kiến thanh phải nói dối chúng ta chứ, ai cũng biết cậu ấy vẫn còn ở nhà thuê"
là đàn ông, ai nghe chả có chút nhục nhục. mình còn đang tự nhục đây này. 
Bố kiến thanh là nhân vật không có tên cụ thể, gọi chung là bố. 
"không có tiền thì nói là không có, giả vờ như vậy có mệt không?" 
đó là câu nói duy nhất của ông với kiến thanh tết năm ấy, sau khi anh đị họp lớp về. mình cũng chả biết tại sao đoạn này mình khóc. chắc tại mình mệt. không phải riêng chuyện tiền, cứ giả vờ chuyện gì cũng rất mệt.
Image result for us and them
nửa sau của phim khá dễ đoán. như mọi cuộc đổ vỡ khác, tình yêu bị cơm áo gạo tiền vật chết, theo cách nghĩ của nhà trai. và tình yêu lụi tàn vì không ai đau được nỗi đau của ai, theo cách suy diễn của nhà gái. nhiều năm sau, khi vô tình gặp nhau trên chuyến bay về Bắc Kinh ăn tết, tiểu hiểu nói rằng
"nếu năm đó, lúc em bỏ đi, anh có dũng khí bước lên tàu, em sẽ ở bên anh mãi mãi"
đấy, ngôn tình nhưng thật! con gái, đôi khi chỉ cần từ người đàn ông hai chữ "dũng khí". 
một đoạn khác khiến mình không hẳn là khóc, nhưng lặng người, là lúc tiểu hiểu bò quanh phòng để tránh camera lúc kiến thanh video call với con trai anh. đúng là đáng nhẽ làm vợ, giờ em lại bị nghi là nhân tình. nhưng tiểu hiểu đón nhận chuyện đó rất thản mặc, một cách đàng hoàng, đạo lý. bọn tàu thường xử lý mấy chi tiết nhỏ nhỏ này tốt hơn hẳn phim việt. 
"nếu không chia tay, liệu bây giờ chúng ta có khác"
"nếu em không bỏ anh, anh sẽ không giàu nổi đâu"
"nếu không chia tay, liệu chúng ta có lấy nhau"
"rồi chúng ta sẽ ly dị nhanh thôi"
có những lời nói ra vậy nhưng không phải vậy đâu, đơn giản vì giờ họ không thể nói khác được. hoặc đơn giản hơn là cuộc đời không hề có "nếu". mình cười như con dở người lúc xem hai người họ đối thoại như vậy, vì hình như ngày xưa mình cũng nếu y như thế với người yêu cũ, xong mình cũng bảo làm gì có nếu mà nói cho nhiều.
đoạn khóc tiếp theo là ở trong xe, hai nhân vật chính đối diện với tình yêu chưa phai của bản thân, với nỗi nhớ chưa nguôi dành cho người kia, và với sự thật là họ đã mất nhau mãi mãi ở kiếp này. dù chắc chắn rằng nếu cho làm lại họ sẽ không bao giờ chọn người kia, khoảnh khắc tiểu hiểu rời đi trong đêm giao thừa năm xưa, cả cô và anh đều đã thương tổn sâu sắc, và dù còn yêu thì không ai đủ sức để hàn gắn nữa.
bố của kiến thanh là điểm sáng nhân văn cuối cùng của bộ phim, có rất nhiều thứ để nói về ông, một người viên chức già, gà trống nuôi con bằng một quán ăn nhỏ. ông từ chối sự phụ thuộc vào con cái cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. trong xã hội mà chỉ cần người ta sinh con ra, nuôi con lớn lên, là có quyền vin vào công sức đấy mà áp đặt, đòi con phải như thế này như thế kia với mình, thì người bố nhà quê ấy vẫn hạnh phúc khi ở quê một mình, không đòi hỏi, không ai oán. ngay lúc này khi viết những dòng này, mình vẫn chưa dừng được nước mắt vì ông. trong lá thư ông viết cho tiểu hiểu trước khi mất, ông cúi gằm xuống vì mắt đã gần mù, ông bảo rằng dù cô và kiến thanh không lấy nhau, thì họ, vẫn là một gia đình.
"ở vị trí của cha mẹ, việc con cái lấy ai, có thành công hay không, kì thực đều không quan trọng. chỉ mong chúng bình yên, khỏe mạnh. tiểu hiểu, chú luôn muốn gửi đồ ăn lên cho cháu, nhưng ngại không hỏi kiến thanh..."
thôi không viết nữa, viết nữa lại khóc, mà khóc nhiều đau đầu lắm. 
Tháng bảy mưa ngâu, chưa đến trung thu, và cũng còn lâu mới đến tết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

EY - món hời hay cơn mê sảng?

Vật chất mà nói thì EY không phải một món hời. Lương thực tập ở EY là 3,300,000VNĐ (ba triệu ba trăm ngàn đồng chẵn). Như thế nhân lên 3 tháng có thể tính tròn là 10 triệu cho đỡ tủi thân. Hà Nội có tứ trụ ngồi ở Ba Đình, ngân hàng cũng có tứ hùng, thằng éo nào cũng giàu, chỉ có Big 4 của kiểm toán thì lại nghèo :)) So với các Big khác thì chính sách lương bổng của EY là có vấn đề hơn cả. Tuy nhiên với một sinh viên không có tí não nào về accounting/auditing thì công ty trả cho bằng ấy tiền là quá mạo hiểm :)) nếu cháu làm sai xong staff đi sửa te tua khéo chi phí bù đắp còn gấp mấy lần cái 3 triệu 3 :)) Vậy nên, với mình, được thực tập ở EY là một may mắn. Có nằm mơ mình cũng không mơ thực tập ở Big 4 (vì mình mơ làm ở F&B để ăn uống cơ) :))) Không vỡ đầu mẻ trán để thi vào, không ngồi đần thối ở các lò luyện big 4, không expectation không đau khổ tuyệt vọng. Thôi nhận ăn may đi cho nhanh thiên hạ đỡ chửi. (However, để ăn may được vẫn cần vượt qua 1 vòng test kiến thức accounting...

Dương Quang Phổ Chiếu

Mùa dịch năm nay, hay nói đúng hơn là mùa thất nghiệp năm nay, thành công lớn nhất chắc là xem được quá trời film hay đến từ vị trí Netflix Originals.  Mình không biết là điện ảnh Đài Loan cũng đẻ ra được phim hay như thế cho đến khi xem Til Death Do Us Part và A Sun. Đúng là chọc vào đâu cũng có nhọt. 

Làm người Việt, và Tự Do có màu gì?

Dù có thất vọng vì đất nước đến mấy, thì tôi cũng chưa bao giờ thôi tự hào vì mình là người Việt. Ngày thứ hai của khóa học Political Economy ở HKU, Prof Thomas cho chúng tôi một tiết kể chuyện văn hóa. "Tell a myth of your country/culture that other people from the same culture must know". Tôi và chị Việt học cùng lướt qua trong đầu: Lạc Long Quân - Âu Cơ, Tấm Cám, Sơn Tinh - Thủy Tinh và cuối cùng hai chị em chọn Lang Liêu vì nó...ngắn. Câu chuyện không quá đặc sắc vì nó...đơn giản. Hai gái đến từ Mongolia rất nhanh gây ấn tượng vì kể chuyện về Chinggis Khan "vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu cỏ không mọc được đến đó"; bọn Úc thì nhanh nhảu với văn hóa bản địa aborigine dù chúng nó toàn là dân nhập cư; bọn Mỹ thì hết xảy =)) "vô văn hóa"!! khổ thân bọn nó, biết kiếm chuyện gì mà nói cho nó ra dáng myth vì myth nào mà lại date back to 1492 cơ chứ. Quay lại chuyện "được" làm người Việt Nam. Vì là người Việt, tôi được ăn phở từ lúc năm tuổi, khô...