"India is two countries in one: an India of Light, and an India of Darkness".
“If I were making a country, I'd get the sewage pipes first, then the democracy, then I'd go about giving pamphlets and statues of Gandhi to other people, but what do I know? I'm just a murderer!”
- Neflix 'White Tiger'
Tin tức về Ấn độ dội sang làm mình thực sự đau lòng. Nơi ấy, ở thì cáu, nhưng bước chân đi chỉ còn nỗi nhớ nhung. Thương thì thương thật, nhưng Ấn độ có rất nhiều vấn đề, RẤT NHIỀU VẤN ĐỀ.
Ấn Độ vững vàng trong làn sóng COVID đợt 1 vẫn còn là ẩn số, nhưng ngã quỵ trong đợt 2 này là một điều có thể hiểu được, và hiểu một cách dễ dàng. Khi xuất hiện biến chủng mới, tốc độ lây nhiễm tăng lên 4-5 lần, cả châu Âu lao đao thì ở Ấn những chiếc lễ hội vẫn diễn ra náo nhiệt. Holi, lễ hội sông Hằng, múa may quay cuồng người một nơi khẩu trang một nẻo. Đợt 1 lockdown thì chết người nghèo, còn đợt này thì nhà giàu cũng khóc.
Bọn mình vẫn có group Tfas từ hồi hongkong, thấy một thằng pakistan nhắn tin động viên hội Ấn mà đang buồn đời lắm cũng phải buồn cười. Thứ đất nước đam mê lễ hội, không biết do vaccines không hiệu quả với biến chủng hay do sản xuất bao nhiêu đã mang sang Bhutan tiêm chuột bạch hết mà nên cơ sự này.
Nếu đã từng sống ở Ấn, hoặc chưa thì có thể bốc đại một chiếc phim Ấn, white tiger chẳng hạn, thì sẽ thấy rằng cách ly, giãn cách là một điều không tưởng ở đất nước tỉ dân này. Mình không biết đợt 1 mọi thứ diễn ra thế nào, vì những thông tin có được đều đến từ những người có nhà, có phòng, có một chỗ để trú thân. Một ngôi nhà trong làng, trong chợ, trong khu ổ chuột có thể shelter đến 10 người thì chỉ cần 1 người nhiễm bệnh, tỉ lệ lây nhiễm có thể cao đến mức nào.
The White Tiger là tựa sách mình đã nghe nhiều khi ở Ấn, nhưng giờ mới có phim để xem, chiếc phim được đề cửa Oscar cho kịch bản chuyển thể xuất sắc. Nước Ấn trong The White Tiger kinh khủng hơn, vẫn là nghèo đói, nhưng đầy tội lỗi và ác nghiệt. Ở đó, nếu bạn đưa cho một người Ấn cùng khổ chiếc chìa khoá mở cánh cửa giải thoát, họ sẽ ném trả chiếc chìa khoá lại kèm một câu nguyền rủa.
Ba tháng đầu ở Ấn, mình đi làm, ở nhà thuê. Một sớm tinh mơ đang ngủ ngon lành thì chuông cửa réo ầm ĩ, một bà đen thùi lùi bước vào và một giây sau lao vào phòng mình lau hết mọi ngóc ngách. Đang á khẩu chưa kịp hiểu chuyện gì thì flatmate bảo: giới thiệu với mày, đây là maid của nhà ta, người sẽ lau nhà, rửa bát, cọ toilet và cả nấu ăn nếu mày muốn. Phí tổn của quả maid này là 500 rupee/1 tháng (tức là khoảng 180k tiền bác Hồ), chia 3 đứa. Lần đầu tiên trong đời, mình sống trong cảnh bỏ ra 60 nghìn một tháng và có người hầu tất tật mọi thứ. Mình bắt đầu ngờ ngợ về thứ gọi là khoảng cách giàu nghèo ở quả Ấn đụ.
Bà maid ko nói được tiếng anh, nhưng múa may quay cuồng tiếng Hindi thì mình vẫn hiểu. Nghe đâu là một tháng giúp việc cho bốn nhà, nuôi ba con với một chồng đang ốm bết xê lết. Vị chi là một tháng thu nhập của bả là khoảng 2000 rupee (là cỡ 700k VNĐ). Lâu lâu bà í xin nghỉ một ngày để chăm chồng là cái nhà sẽ như cái chuồng heo, nên lúc nào bà ý ra hiệu xin nghỉ là mình sợ lắm =))
Đợt ấy máy giặt nhà mình hỏng, mình hay nhờ bà í giặt quần áo. 100 rupee/1 lần. Tức là chỉ cần giặt quần áo cho mình thôi cũng bằng tiền lau dọn hùng hục cả cái nhà. Nên bà í quý mình lắm, đồ cứ vứt ra là lon ton đi giặt xong phơi gấp gọn ghẽ =)) mình đã bảo không ăn đồ Ấn mà lúc nào cũng bê cả khay curry đòi úp vào mặt mình. Đến một ngày cái máy giặt không hỏng nữa, mình tự giặt, bả buồn thiu.
Rồi bà xin nghỉ hẳn một tuần. Lý do là chồng sau thời gian đau ốm đã chính thức tèo. Hôm bả quay lại, nhìn chán đời kinh dị. Mình lúc ấy đã chuẩn bị move out khỏi cái nhà đó để chuyển sang ở cùng với các anh chị em người Việt. Hôm cuối cùng gặp, hàng kim tước trước nhà đã rợp hoa vàng rũ, mình đưa thêm 100 rupee vì tự nhiên thấy thương, thế mà bả không nhận. Bà í trùm cái khăn, bước đi liêu xiêu dưới tán hoa vàng, hình ảnh ấy ám ảnh mình đến tận giờ. Cùng cực của nghèo khổ, và bất lực, nhưng vẫn đầy tự trọng.
Gần đây mình có xem 'Yeh Ballet', cũng là một phim Ấn trên Netflix. Phim thì thường nhưng nhạc phim hay.
Nhận xét
Đăng nhận xét