Có một nhận định như sau: Một cuốn sách dù dở đến đâu nhưng có 1 chương tuyệt tác thì vẫn đáng để đọc.
Với những kẻ tôn thờ sự cực đoan, thì nhận định trên không hề dở hơi tí nào, mà ngược lại, hoàn toàn chính xác. Chúng tôi sẵn sàng đến với những thứ hoặc cực tốt, hoặc cực dở, chứ không chấp nhận sự làng nhàng cào bằng. Thế nên, một bộ phim dù dở đến đâu nhưng chỉ có vài tình tiết đỉnh cao thì vẫn đáng xem như thường."The place beyond the pines" nhìn chung không hề dở, nhưng với một cốt truyện như thế người ta "có thể" làm được nhiều hơn (thì phải). Có nhiều hơn một vài người nhận thấy sự đầu voi đuôi chuột của bộ phim, khi mà cái tựa phim mở ra rất nhiều những mường tượng, và 30 phút đầu của bộ phim được xây dựng rất đầy và đủ. Nhịp phim bắt đầu rời rạc (hoặc riêng tôi cảm thấy thế) sau cái chết của Luke. Dường như biên kịch quá tham lam thì lồng ghép 3 câu chuyện ở 3 thời điểm khác nhau và đều "nặng đô" như nhau vào trong 1 phim duy nhất chỉ kéo dài 140 phút, trong khi chỉ với một câu chuyện của Luke và cậu con trai Jason có thể đã đủ để ôm trọn 90 phút còn lại. Có lẽ biên kịch muốn gửi gắm nhiều thông điệp hơn chỉ là kể một câu chuyện về tình cha con, nhưng với những trái tim yếu mềm như trái tim của đứa viết ra cái bài này, thì đoạn đau đớn, đổi thay, trả thù đằng sau có vẻ khá nặng nề và khó cảm. Tuy nhiên, để hiểu được cả câu chuyện và rút ra thêm được nhiều điều "ý nghĩa" cho bản thân thì chúng bạn vẫn nên xem cả bộ phim, kẻo đạo diễn lại tủi thân, còn với tôi thì một anh Luke là quá đủ.
Quay lại với điểm sáng rỡ nhất của bộ phim này (theo tôi), đó là 30 phút đầu tiên, và phân đoạn Luke cho Jason ăn kem. Sẽ chỉ là một cảnh quá sức bình thường nếu đây là một "gia đình" theo đúng nghĩa của nó, nếu đây không phải lần đầu tiên Luke được đưa Jason đi công viên sau một lần bị "hụt" đau hụt đớn khi nhìn người "cha" mới của con mình bế Jason đi, nếu Luke không phải là một tên play boy không hề biết mình có một cậu con trai kháu khỉnh đến thế trên đời này, nếu giữa anh và con không có cả một bức tường chắn khổng lồ về tiền bạc, quyền nuôi dưỡng...Cũng phải kể đến sự đẹp trai của Luke, một vẻ đẹp trai mà người khác chỉ cần nhìn vào thôi là thấy hạnh phúc rồi, dù anh ta có là tên tội phạm hay bất kì thứ gì ghê gớm hơn trên đời này, và cả cậu con trai Jason nữa, trần đời chưa thấy đứa trẻ nào ăn kem mặt lại buồn cười đến thế :)) Và tại sao lại là ăn kem chứ không phải là ăn thứ gì khác? Luke đã hỏi Ro rằng Jason đã ăn kem bao giờ chưa, và khi cô xác nhận là chưa, ông bố trẻ đã sung sướng mường tượng ra cảnh sẽ cho nó ăn để sau này mỗi lần ăn kem anh sẽ chỉ nhớ đến khuôn mặt nó. Có một chút ích kỉ kiểu bố là người duy nhất cho con ăn kem đấy nhé, nhưng nó ngọt ngào hơn cả một viên kẹo bọc đường.
Có quá nhiều tình tiết trong 30 phút đầu của bộ phim giữa Luke và Jason khiến cho tim người ta không thể nằm yên trong lồng ngực trái được, như cảnh Luke gặp Jason lần đầu tiên, đôi tay dầu mỡ chỉ quen lái xe đua tốc độ vừa khao khát, vừa bồn chồn ngài ngại khi bế trên tay một phần cơ thể mình, hay khi Luke đánh trọng thương Kofi vì anh ta không cho Luke đóng cho con trai anh một chiếc nôi, ngay giây phút ấy, Luke đã biết mình đã xa con thêm một khoảng, nhưng anh là người duy nhất bình tĩnh, sự bình tĩnh vì trống rỗng, anh ôm con và liên tục thì thầm vào tai cậu bé "It's ok, it's ok...". Và tất nhiên, bên cạnh I love you thì It's ok cũng là câu nói dối kinh điển nhất mọi thời đại. Sao nhỉ, thật khó kết lại những điều này, giờ cũng hơi hiểu tại sao biên kịch lại phải bôi ra đoạn tiếp theo. Luke, Luke, anh chắc chắn không phải người bố tuyệt vời nhất, nhưng anh là người bố có thằng con ăn kem đáng yêu nhất trên đời này!!
Nhận xét
Đăng nhận xét