Rời Mt.Bromo và Surabaya, tôi leo lên chuyến tàu chiều đi Yogya. Chuyến này chỉ khoảng 4-5 tiếng, và vé tàu hạng Exekutiv đắt không kém gì vé máy bay, nhưng người dân Indo vẫn chuộng đi tàu, đi thử Lion Air một lần thì hiểu ngay lý do. Máy bay giá rẻ (tương đương Vietjet ở nhà), nhưng Vietjet còn êm ái chán, chuyên nghiệp chán, các hãng giá rẻ nội địa của Indo thì thật, như cái xe đò :'(
Mua vé tàu ở Indo rất tiện, tất cả các convenience store đều là nơi bán vé tàu: Alfa mart, Indomaret... Nhưng phải mua trước ít nhất một ngày và nhân viên thì tất nhiên ko nói tiếng anh. Trừ phi mua vé hạng Ekonomi ngồi đau đít thì có thể ra thẳng ga mua, còn hầu hết đều phải đặt trước, mà phải đặt nhanh kẻo hết.
|
Cái ghế tàu như một cái giường đơn, khá mềm mại và có cả chỗ để chân. Lúc đầu low-tech quá không biết cái gá chân đó có thể điều chỉnh tùy độ dài ngắn của chân, nên chân ngắn cứ phải ưỡn người ra gác, trông rất quằn quại. |
|
Cơm tàu. Mình đi chuyến 17-22h nên xác định ăn tối trên tàu, cũng muốn xem nó có kinh như cơm tàu ở VN không, ai dè ngon phết, cũng không cắt cổ như ở nhà, mặc dù lại là gà. Một đất nước đạo gà, tôi biết các bạn không ăn thịt lợn, nhưng còn bò, cá, chim, chuột và rất nhiều con khác?? |
Đến Yogya đúng 10h tối. Yogya như kiểu Huế pha với Hà Nội, là một vùng kinh đô xưa cũ và hiện nay vẫn có sultan trị vì, we call it "Special Regions of Yogyakarta". Ở Indo vùng nào mà có chữ Special aka Istemewa thì nguy cơ cao là sẽ có regent, sultan, solo hay rất nhiều các thể loại tên gọi khác mà mình chưa kịp tìm hiểu sự khác nhau của họ, đại khái là một dạng vua con, đứng dưới thủ tướng nhưng trị vì cả vùng đấy, thậm chí được empowered làm đủ thứ mà mặt trời ở xa cũng chả thò tay vào được.
Ở đây lại có 1 trap khác là taxi mặc cả thôi rồi các loại giá, chỗ mình ở cách Tugu kereta api stasiun khoảng 900m, mà taxi hét đủ thứ giá trên trời. Ở Yogya có 2 loại xe khác phổ biến hơn là petrak (xe ngựa) và tricycle (giống xích lô nhưng các bác lắp đầu máy nổ pành pạch rồi không phải đạp ì ạch nữa). Thế là mình leo tót lên xe một bác, bảo bác chở một vòng quanh thành phố lúc 10h đêm (thần kinh giẫm phải đinh, đúng là niềm tin phù hộ chứ bác chở về nhà bác thì cũng chịu), rồi về khách sạn. Khách sạn của mình như kiểu boutique ý, nhỏ xinh nhưng sạch sẽ đáng yêu, nhiều tượng gỗ tranh ảnh artsy. Được cái toàn tây nên cũng yên tâm chắc đêm không có thằng nào vào đập cửa =.=
Sáng hôm sau, một cô bạn của Vicky tên là Mita qua đón mình đi Prambanan. Vừa te te ra khỏi nhà thì bạn ý đi vào đường 1 chiều, 2 con bị hốt vào đồn ngồi 15 phút xem anh cảnh chơi bắn chim. Bên ấy cũng bribe giống hệt mình nhưng dân nó hiền lắm, bảo nộp nhiêu là nộp thôi, ký giấy cầm bằng đi về chứ không biết xin mà cũng ko biết hối lộ.
Khi biết mình là người Việt Nam một mình đi tới Yogya, một đoàn anh cảnh đang bắt xe ngoài đường đi vào đồn đứng lố nhố cười cười như xem thú. Sau đấy Mita mới nói là trông mình giống Indo quá (lại còn trùm khăn) nên các anh phải vào xem tận mắt và tiếp tục xổ Bahasa Indonesia vào mặt mình để khác nhận là mình...không hiểu.
Prambanan không to cũng chẳng quá rộng. So với Angkor thì bằng một góc. Ở các điểm tourist attraction thì đều phải mua vé. Foreigners thì phải mua vé đắt hơn rất nhiều so với local people, nên mình bảo Mita mày cứ mua 2 vé local đi. Y như rằng chẳng ai hỏi gì vì trông mình như một gái Indo chân chất hiền lành mà :) Thôi khi nào mình đi làm có tiền mình sẽ mua vé đàng hoàng, giờ mình phải save tiền để về đến VN an lành đã =.=
Kết cấu của Prambanan cũng không khác nhiều so với các quần thể Candi Hinduism. Candi trong tiếng Indo nghĩa là đền. Cứ đi thẳng vào, đền to nhất nằm chính giữa chắc chắn thờ Shiva, năng lực hủy diệt. Mặc dù trong Hinduism, theo như đã trò chuyện với cậu bạn Ấn Độ mà mình quen sau này, thì đến giờ, đạo Hindu không quy định ai là người đứng đầu trong tôn giáo của họ, họ có hệ thống tư tưởng và đạo lý được mở rộng cho tất cả mọi người và kết nối với nhau bằng niềm tin. Cũng chính vì đặt niềm tin lên đầu nên mọi người được tự do tin điều mình muốn tin, thờ nhân vật mà mình cảm thấy có liên kết sâu sắc về mặt tâm linh nhất. Có nghĩa là cậu ta hoàn toàn có thể ăn thịt bò, và cảm thấy Shiva không cần lúc nào cũng hủy hoại như vậy. "It's all up to you", he said, rồi lắc lắc cái đầu đúng kiểu cô dâu 8 tuổi ngúng nguẩy kể chuyện Life of Pi và bàn về Ramayana với mình. Ôi đời mình nó cứ hạnh phúc kiểu gì khi gặp được những người như thế.
|
Trời Yogya hôm ấy rất xanh. Từ Tugu (means monument) đến chỗ mình chỉ khoảng mấy chục mét. Vì khả năng xác định phương hướng khá kém nên mỗi khi đến 1 thành phố lạ mình thường tìm cách ở gần những cái gì to to, để đi 1 lúc mất phương hướng thì có cái hoa tiêu mà nhìn về. |
|
Trước cổng Kraton, tạm hiểu là nhà trắng của sultan Yogya. |
|
Nhìn vào cái cây phả hệ này sẽ hiểu ông nào lấy lắm vợ đẻ lắm con. Vị sultan hiện thời chỉ có 1 vợ và 5 cô con gái xinh lung linh. Hình như vợ ổng là con lai nên bả rất đẹp, đẻ ra 5 đứa con đều đẹp. |
|
Chuẩn bị xem điệu múa truyền thống. When moderness meets tradition. Quả tai nghe của anh chắc phải tầm 5 triệu. |
|
Bỗng dưng bắt gặp một soái ca nhí khiến lòng không khỏi bồi hồi. Mình cảm giác ở Indo và Philippines, và cả Thái, tỉ lệ con lai rất cao. Chưa tìm được lý do vì sao nhưng đầu tiên là chúng nó rất đẹp. |
|
Ở indo, mỗi vùng có một ngôn ngữ, điệu múa, điệu hát truyền thống khác nhau. Sau này mình mới biết Batik ở những vùng khác nhau thì cũng khác nhau nốt. Đây là điệu múa nghiêng người, tên này do mình đặt, vì cả bài múa chỉ đứng lên ngồi xuống nghiêng qua nghiêng lại. Nhưng nếu xem kỹ sẽ thấy điệu này rất khó, và đòi hỏi sự chính xác và tập luyện rất nhuần nhuyễn. Cái khó nằm ở chỗ bạn không đứng lên ngồi xuống ngả nghiêng một mình, mà phải kết hợp với cả nhóm. Bằng đấy con người cùng nghiêng một góc chằn chặn như nhau mà không thằng nào bị xiêu vẹo lệch lạc hay ngả ngớn cà trớn, hẳn là không dễ như tưởng tượng. |
|
Mình biết mình đã sinh nhầm thời và nhầm chỗ. Hóa ra tai nhọn là dấu hiệu của con người quý tộc, đẳng cấp sultan các mẹ ạ. Tai không nhọn được còn phải gắn vàng gắn bạc cho nhọn hoắt lên thế kia cơ mà. Mình mà được sinh ra bên ấy khéo đã được triệu tập gấp vào cung phá lệ trở thành sultan nữ đầu tiên mất thôi. Tai nhọn inborn luôn mỗi tội bên cụp bên xòe >.< |
|
Ngôi nhà luôn khóa trái cửa kia là nơi sultan và gia đình sinh sống. Mình hỏi cô bạn đi cùng xem cô ta đã thấy họ bước chân ra từ ngôi nhà ấy bao giờ chưa. Và mình bày tỏ niềm nghi ngờ là thực ra họ sống ở một chỗ khác. Cô bạn có vẻ rất ngạc nhiên và nói rằng ở đây chẳng ai có suy nghĩ như thế. Các bạn đã thấy sức mạnh của niềm tin chưa. Họ tin rằng mỗi vị sultan đều được ban sức mạnh, và sức mạnh đó trấn giữ cho Yogya luôn bình an và thịnh vượng. Nghe xong mình cảm thấy mình cũng có sức mạnh phi thường luôn được haizzz. |
|
They are servants. |
|
Một con ngõ nhỏ của Yogya. Yogya cũng có khá nhiều ngõ ngách, đúng chất cổ cổ ngày xưa. |
|
Taman Sari, bể bơi của nhà sultan. |
|
Nhìn thế thôi chứ nó nắng vỡ cái đầu. Chỗ này là bể bơi lớn, nơi các vợ sultan tung tẩy bơi lội cho ổng ngắm, chứ ổng không bơi. Ổng sẽ đứng trên cái tháp cao nhìn xuống. Thế là thú tiêu khiển thi vị đó hả?? |
|
Đây mình đã leo lên tháp, đây chính là góc nhìn của sultan ngắm nghía vợ con mình. Thiết nghĩ từ góc này thì cung tần mỹ nữ trông có ảo đến mấy thì cũng như mấy con nhái đạp nước chứ có gì vui? |
Chịu khó đi vào mấy cái đường tối loằng ngoằng sẽ dẫn ra một khu khá đẹp, trông rất La Mã, là chỗ sultan hay làm lễ thì phải. Mình không capture được cái ảnh nào vì thiếu sáng, và cũng đông xong dân Indo nó sống ảo, nó giơ selfie stick tè le tứ tung làm mình ghét quá, mình đi về luôn.
Đến trưa trời bắt đầu u ám. Mùa mưa ở Indo là từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, vì Java đã nằm dưới đường xích đạo nên mùa mưa ngược với Việt Nam một chút, nhưng vì tác động của El Nino gì đó mà tới tháng 5 mình đi vẫn còn mưa.
Ơ Yogya có một món nổi tiếng, Gudeg. Nghe thì ko thể biết nó là cái gì, nên mình phải đi ăn thử. Đây là một quán nằm ngay gần Kraton, và thấy bảo là nổi tiếng nhất ở đây. Nhìn ngoài thế thôi nhưng trong cũng khá xập xệ, nhưng có ice tea đóng chai khá ngon, mình uống hẳn 2 chai.
|
Đây là món Gudeg huyền thoại aka cơm gà. Kiểu gà nướng mật hay nướng gì đó nhưng vị nó cũng lạ lạ, và điểm đặc biệt của món này, bất ngờ thay không phải ở cơm hay gà mà chính ở vật thể màu cam nằm ở góc trái của đĩa cơm, đến giờ mình cũng không chắc nó là cái gì nữa. Ăn như kiểu bóng nấu canh ở Việt Nam ý nhưng nói chung là mình chẳng thấy ngon gì cả trong khi con bạn Indo khen nức nở. |
Đến chiều thì mình tự đi Borobudur. Như thường lệ thì mình cứ ôm chặt lấy vài key words rồi đi thôi. Đi mấy lượt xe mới tới, được cái bus đi Boro sạch sẽ an toàn. Tới nơi là khoảng 3h chiều, và vì không nói được Bahasa Indonesia nên mình ko giả dạng local được nữa, mình phải mua vé foreigner, lại còn quên thẻ sinh viên. Giá vé cho sinh viên là 140k IDR, còn giá vé thường là 280k, khóc đi các mẹ. Vì Boro theo mình thấy là chả xứng đáng cho cái giá đó :)
|
Rất đông. Rất la liệt và rất ảo. |
Để lên được tầng cao nhất của đền, mình đọc hướng dẫn hẳn hoi là enter từ south gate, sau đó đi theo hướng clockwise quanh mỗi tầng rồi leo dần lên. Nhưng bất ngờ thay, chả có anh chị nào đi vòng vòng quanh các tầng, các bạn Indo cứ thượng một phát lên thẳng cầu thang vượt qua 4-5 tầng gì đó để lên tầng cao nhất luôn, chụp ảnh check in cho nó sướng. Ôi chao là may, thay vì lốn nhốn chen nhau 1 tấm hình ở trên cao tít, mình thong thả tạo ra những tấm hình rất an nhiên như này ở các tầng dưới. Đấy, đời đôi khi chỉ là những lựa chọn :))
Nếu đi du lịch một mình và vẫn muốn có những tấm hình sâu đíp, đừng dùng selfie stick please. Hãy cầm theo một chai nước, dựa máy ảnh vào đó và bật chế độ chụp tự động, không tin xin mời chiêm ngưỡng loạt tác phẩm :)
|
Hãy tạm bỏ qua sự diễn sâu và chiêm ngưỡng trời xanh, núi phủ, những đền đài (không) bỏ hoang đi. |
Đối với phật giáo, mình không phải một tờ giấy trắng, nhưng mình không nhớ gì và cũng chưa muốn nhớ nhiều (thực ra là không nhớ được) những lời tâm từ hết sức sâu xa từ 2500 năm trước truyền vọng lại. Nên khi đến Borobudur, mình không reflect, không chiêm nghiệm, mình chỉ cảm nhận. Người xưa rất hay xây lên những Candi ở vùng linh địa, nắm giữ nguồn năng lượng và sinh khí quý giá, để trấn giữ và hấp thụ những năng lượng đó. Mình không chắc điều đó đúng bao nhiêu phần trăm, nhưng đứng trước Borobudur đông và nhộn nhạo, mình không cảm nhận được gì dù đã cố gắng nhắm mắt, bịt tai, không màng đám người lao xao kia, ấp tay vào từng viên đá, hít thở từng chút khí trời. Borobudur có kiến trúc đẹp không cần bàn cãi, có câu chuyện hay đã dẫn lối bao người Phật tử ngàn đời đến chiêm nghiệm, nhưng Borobudur hình như không còn tĩnh lặng, không còn là đường mây qua xứ tuyết, phủ phục mấy nghìn năm để tỏa hào quang bao bọc lấy con người.
Mãi cho đến khi về, mình cứ trăn trở mãi, mình tiếc cái công vượt ngàn xa đến một chốn linh thiêng lại ôm hụt hẫng ra về. Mình nhìn mãi về phía chân trời đang dần chìm vào hoàng hôn, bỗng Borobudur hiện ra như chóp đầu của đức Phật tỏa ánh sáng kim cương từ phía chân trời. Đột nhiên mình thấy lòng nhẹ bẫng, và mình biết mình đã chọn sai thời điểm để đến Boro. Và mình biết tại sao người ta chỉ mở cửa từ 6AM to 5PM, còn ngoài khung giờ đó, bạn sẽ phải trả gấp 5 lần để bước vào. Đơn giản là, trong sunset và sunrise, Borobudur sẽ chuyển mình, từng khối tượng Phật nóng rát lúc trưa nắng sẽ dịu như những hòn nhung, cựa dậy mỉm cười, quay mình về phía mặt trời và đối thoại. Mình chưa sẵn sàng để tiếp nhận nguồn năng lượng ấy, có lẽ vậy. Tay mình run lên và chẳng kịp ghi lại bức ảnh nào, nhưng mình biết, mình sẽ đến Boro một lần nữa, khi mình sẵn sàng.
Nhận xét
Đăng nhận xét